Liên quan đến khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia làng đỏ (Nghệ An): "Ở nhờ" tạm bợ trên ngôi nhà của mình

VHO - Tự hào là người dân sống trên mảnh đất của tổ tiên để lại và được công nhận là một trong những địa điểm của cụm Di tích quốc gia Làng Đỏ Hưng Dũng (TP Vinh, Nghệ An), nhưng hàng chục năm nay, gia đình ông Nguyễn Hữu Thân - con trai cụ Nguyễn Hữu Diên, một gia đình chính sách, có công với cách mạng vẫn phải sống trong cảnh tạm bợ, xập xệ…

Liên quan đến khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia làng đỏ (Nghệ An):

 Ông Nguyễn Hữu Thân chỉ vị trí ngày xưa cha ông chôn giấu tài liệu

 Đến thăm di tích nhà cụ Nguyễn Hữu Diên, đứng trên mảnh vườn hoang sơ, nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ phường Hưng Dũng, chúng tôi không thể tin được đây là một trong những địa điểm được xếp hạng Di tích quốc gia, bởi xung quanh không một tấm bia, không một bảng chỉ dẫn.

Hàng chục năm “ở nhờ” trên ngôi nhà của mình

Theo sử sách ghi lại, nhà cụ Nguyễn Hữu Diên là nơi in ấn tài liệu tuyên truyền của Xứ ủy Trung Kỳ, đồng thời cũng là nơi nuôi giấu cán bộ của Đảng. Sau khi thực dân Pháp phát hiện, gia đình cụ Diên bị bắt giam, ngôi nhà tranh bị đốt trụi và toàn bộ tài sản bị tịch thu. Ngôi nhà hiện tại là do ông Nguyễn Hữu Thân, con trai út của cụ Diên dựng lên năm 1982.

Toàn bộ di tích hiện chỉ còn lại cây chay, nơi chôn cất chum tài liệu của Đảng khi xưa. Đến nay cây chay đã chết, chỉ còn lại gốc. Thời điểm năm 1990, sau khi được xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia, vì chưa có quy định rõ về chủ sở hữu của di tích, không có quyết định thu hồi và thủ tục tái định cư, nên đất và nhà cụ Nguyễn Hữu Diên vẫn để cho ông Nguyễn Hữu Thân sinh sống, canh tác. Hiện nay, đất di tích có tổng diện tích là 2.006m2, còn ngôi nhà thì đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng chịu lực, chống đỡ khi mùa mưa đang đến gần. Nhiều lần gia đình muốn sửa chữa, cơi nới nhưng chính quyền không có cơ sở pháp lý để giải quyết.

Ông Nguyễn Hữu Thân trăn trở: Được công nhận là “Gia đình có công” và “Di tích lịch sử cách mạng” là niềm tự hào của chúng tôi nhưng cũng là khó khăn, trở ngại ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nhất là không làm được thủ tục công nhận quyền sử dụng đất. Đã hơn ba chục năm nay, chúng tôi “ở nhờ” trên chính mảnh đất của mình. Căn nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào, dù muốn sửa chữa cũng không được phép vì “nằm trong vùng di tích cần được bảo vệ”. Năm 2000, chúng tôi cũng tiến hành làm các thủ tục để cấp “bìa đỏ” nhưng đến nay chưa được giải quyết, lý do vẫn là “nơi gia đình tôi đang ở là địa chỉ Di tích lịch sử cách mạng”.

Liên quan đến khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia làng đỏ (Nghệ An):

 Di tích nhà ông Nguyễn Hữu Diên thuộc cụm Di tích Làng Đỏ được xếp hạng Di tích quốc gia nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ nhưng không có bia, bảng chỉ dẫn

Đang chờ các cấp phản hồi

Theo hồ sơ Di tích Làng Đỏ, Quyết định số 84-QĐ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch ngày 27.4.1990 (nay là Bộ VHTTDL), Làng Đỏ được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng năm 1990, gồm các địa điểm: Dăm Mụ Nuôi (nơi thành lập Chi bộ Đảng Hưng Dũng); Cây sanh Chùa Nia; Đình Trung; Nhà ông Nguyễn Hữu Diên; Nhà ông Nguyễn Sỹ Huyến; Nhà ông Lê Mai. Điều 2 của Quyết định này ghi rõ: “Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực bảo vệ di tích đã khoanh vùng. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở nơi di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch”.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phan Thị Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VHTT Nghệ An) cho biết, nhà ông Nguyễn Hữu Diên là một trong ba trường hợp nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ Di tích Làng Đỏ. Theo quy định của pháp luật, Nhà nước quy hoạch phần đất của cá nhân trở thành di tích lịch sử, nằm trong vùng bảo vệ di tích lịch sử cấp quốc gia, thì chỉ khi được sự chấp thuận của cấp thẩm quyền mới được cấp đổi, đền bù đất ở nơi khác (nếu phường, xã có thể bố trí được quỹ đất). Trường hợp địa phương không còn quỹ đất, UBND tỉnh, trực tiếp là Sở VHTT có nghĩa vụ xem xét, lập hồ sơ đề nghị khoanh vùng di tích cần bảo vệ, sau đó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình trên phần đất còn lại.

Khoảng đầu những năm 2000, dựa trên đề nghị của các hộ gia đình và kết quả khảo sát, đánh giá lại hiện trạng di tích, các Ban, ngành đã lập hồ sơ đề nghị Trung ương chấp thuận phương án khoanh vùng lại di tích đối với ba hộ gia đình, trong đó có hộ ông Nguyễn Hữu Thân (tức di tích nhà cụ Nguyễn Hữu Diên). Tuy nhiên, trong quá trình lập hồ sơ, người thân của ông Nguyễn Hữu Thân có đơn đề nghị xem xét lại việc chia tài sản thừa kế là đất của cha ông để lại, trong đó có liên quan mảnh đất mà gia đình ông Nguyễn Hữu Thân đang sinh sống. Vì xảy ra tranh chấp, ranh giới đất đai chưa được thống nhất nên các cấp, ngành lúc đó đã tạm gác việc đánh giá hiện trạng và khoanh vùng lại di tích nhà cụ Nguyễn Hữu Diên, chỉ hoàn thiện hồ sơ đối với hai hộ còn lại.

Vợ chồng ông Nguyễn Hữu Thân nay đã gần 70 tuổi, sức khỏe yếu, nguyện vọng của gia đình là muốn có nơi để sinh sống một cách chính đáng trên mảnh đất cha ông để lại. Ông Thân bày tỏ: “Mảnh đất bố tôi để lại đã được chia cho cả 7 đứa con, tất cả đều xây dựng nhà cửa hoặc bán một phần để xây nhà nơi khác, riêng gia đình tôi vì ở vị trí quy hoạch di tích nên đến nay vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất. Cha là cán bộ lão thành cách mạng thời kỳ 1930-1931, anh trai là liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi đồng ý nhường đất để làm điểm quy hoạch di tích và cắt 4m đất làm đường. Tuy nhiên, do sức khỏe kém, điều kiện kinh tế khó khăn, chúng tôi mong muốn được cơ quan chức năng tạo điều kiện cấp quyền sử dụng đất và hỗ trợ đền bù cho gia đình”.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng (TP Vinh) thông tin: “Chúng tôi đã hai lần làm tờ trình xin chủ trương điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích khoảng 200-300m2, phần đất còn lại làm bìa đỏ, tạo điều kiện cho con cháu cụ Nguyễn Hữu Diên sinh sống. Đến nay, chính quyền vẫn đang chờ các cấp phản hồi để có cơ sở để giải quyết”.

 Với người dân xứ Nghệ, Làng Đỏ là vùng đất “địa linh nhân trung”, nơi “đi đầu dậy trước” với khí thế long trời lở đất trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931; cùng những đóng góp to lớn xuyên suốt hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Làng Đỏ đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân..

 

PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc